Thông thường, độ tuổi 20 và đầu 30 được cho là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời một con người. Các cá nhân ở độ tuổi này thường có sức khỏe tốt, có ít trách nhiệm và có thể khám phá các cơ hội nghề nghiệp cũng như phát triển các sở thích riêng. Tuy nhiên, xã hội thay đổi và phát triển nhanh chóng, những người trẻ tuổi không thoát khỏi những căng thẳng, áp lực xảy ra trong cuộc sống.
Trên thực tế, nhiều người trong giai đoạn này, đặc biệt là ở tuổi 30 thường trải qua cảm giác không chắc chắn và lo lắng khi họ đặt câu hỏi về mục tiêu, kế hoạch cuộc đời và thậm chí cả các mối quan hệ của mình: “Tôi là ai trong cuộc đời này?”; “Mục đích mình tồn tại để làm gì?”; “Vì sao tôi cứ lông bông như vậy?” Các chuyên gia đã gọi hiện tượng này là cuộc khủng hoảng giữa đời hay khủng hoảng tuổi 30. Nó nằm trong giai đoạn từ 20 – 40 tuổi theo học thuyết vòng đời của nhà tâm lý học Adler. Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, đây là hiện tượng trẻ hoá của cuộc khủng hoảng trung niên dưới áp lực của cuộc sống và sự phát triển của xã hội.
Khủng hoảng tuổi 30 là gì?
Nói đến các cột mốc cuộc đời, khủng hoảng tuổi trung niên được biết đến rộng rãi hơn, còn khủng hoảng giữa đời là khoảng thời gian bất ổn và nghi vấn khi mọi người cảm thấy bị mắc kẹt, chán nản và vỡ mộng về nhiều khía cạnh trong khoảng từ giữa độ tuổi 20 đến đầu 30. Có những người cảm thấy đang mắc kẹt trong một công việc bế tắc trong khi bạn bè đồng trang lứa đều thăng tiến trong sự nghiệp hoặc có người tự hỏi rất nhiều lần tại sao họ dường như không thể duy trì một mối quan hệ lãng mạn lâu dài khi xung quanh họ hầu hết đã yên bề gia thất.
Nguyên nhân của khủng hoảng tuổi 30
Những yếu tố gây căng thẳng phổ biến có thể dẫn đến loại khủng hoảng này có thể bao gồm:
- Mất việc hoặc tìm việc mới khó khăn, thiếu định hướng khi lập kế hoạch cho sự nghiệp
- Sức khỏe dần có sự thay đổi so với tuổi đầu 20
- Cảm giác cô đơn khi sống một mình
- Các mối quan hệ thay đổi hoặc mất đi
- Mất định hướng hoặc giảm hứng thú so với những năm tuổi 20
- Suy ngẫm liên tục về cuộc sống và ý nghĩa cuộc đời
- Áp lực đưa ra các quyết định quan trọng ảnh hưởng dài hạn đến cuộc đời
Một số gợi ý để đối mặt với khủng hoảng tuổi 30:
- Ưu tiên sức khỏe của bản thân về thể chất và tinh thần
- Suy ngẫm và dành thời gian làm việc với bản thân, tin vào con đường đã chọn và củng cố các giá trị bản thân
- Sắp xếp lại các ưu tiên trong cuộc sống
- Thừa nhận cảm xúc của bản thân. Việc kìm nén cảm xúc có thể dẫn đến những chiến lược đối phó không lành mạnh và làm tăng căng thẳng. Thay vì chôn vùi cảm xúc của mình, hãy tìm cách xử lý chúng.
- Xác định và chấp nhận những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát. Chấp nhận những hạn chế của bạn và cố gắng thu hẹp sự tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
- Học cách thích nghi với những tình huống mới. Bạn rất dễ cảm thấy choáng ngợp trước những thay đổi lớn và vai trò mới. Hãy dành thời gian để vạch ra con đường phía trước và chia những thách thức lớn thành những bước nhỏ. Đến lúc bạn cảm thấy thoải mái khi xử lý những công việc đó, bạn có thể dần dần mở rộng danh sách công việc của mình.
- Thử một cái gì đó mới. Điều này sẽ giúp bộ não của bạn luôn nhạy bén, mở rộng mối quan hệ xã hội và mang lại cho cuộc sống của bạn một mục đích mới.
- Đừng bỏ quên sở thích cũ. Dành chút thời gian để suy ngẫm về những sở thích trong quá khứ và những sở thích bị bỏ quên.
- Tìm kiếm sự đồng hành cần thiết để vượt qua khủng hoảng
- Tham gia các hoạt động cộng đồng. Tình nguyện cũng là cách mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của bạn, tăng cường hạnh phúc và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Biên tập: Phương Thanh – Chuyên viên tâm lý
Chuyên viên tâm lý của Echo Medi – Hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện