Khi bước vào tuổi dậy thì (khoảng từ 8-9 tuổi đến 18-19 tuổi), phần lớn trẻ sẽ trải qua những thay đổi về thể chất và cảm xúc, đến với cột mốc mới để trở thành “người lớn”. Cha mẹ có thể quan sát thấy trẻ trở nên trầm tính, ít chia sẻ với gia đình, hoặc trở nên cáu gắt, bốc đồng, chống đối nhiều hơn lúc trước. Vậy cha mẹ có thể làm thế nào để cùng con đi qua khủng hoảng dậy thì và vẫn giữ được kết nối với con trẻ?
Sự phát triển nhanh chóng về thể chất và trí não ảnh hưởng đến cách các thanh thiếu niên tương tác với người khác, cách các em xác định và thể hiện cảm xúc của mình so với độ tuổi thiếu nhi. Trẻ sẽ tương tác với gia đình và bạn bè theo những cách khác nhau, chẳng hạn trẻ bắt đầu giữ khoảng cách và có những bí mật với cha mẹ, trẻ có xu hướng chơi thân với nhóm bạn cùng tuổi và cùng chia sẻ những điều mới lạ… Sự biến chuyển này có thể là một thách thức với các bậc cha mẹ, bởi nhất thời họ cũng bối rối chưa biết cách cư xử với con mình thế nào cho đúng khi trẻ ở độ tuổi “lưng chừng”.
Những đặc điểm nổi bật ở tuổi dậy thì mà cha mẹ có thể nhận thấy ở trẻ có thể là:
- Tâm trạng lên xuống thất thường
- Mức năng lượng không ổn định, ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn
- Nhận thức mạnh mẽ về bản thân và phát triển bản sắc cá nhân
- Có nhu cầu mạnh mẽ hơn về kết nối xã hội bên ngoài gia đình bạn (bạn cùng lớp, hội nhóm cùng sở thích…)
- Bắt đầu quan tâm đến sự khác biệt giới tính và tìm hiểu về tình dục
- Cảm thấy tự ti hơn về vẻ ngoài của mình, bối rối và thất vọng khi không thể đạt được mục tiêu hoặc những cảm xúc tiêu cực khác
- Căng thẳng, áp lực, choáng ngợp hoặc sợ hãi vì những sự thay đổi đột ngột về thể chất
- Khao khát muốn được trao quyền, được tự do thể hiện, đảm nhận trách nhiệm và tự đưa ra quyết định cho một số khía cạnh trong cuộc sống
Những thay đổi về mặt tâm lý như trên là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ vị thành niên. Cũng trong giai đoạn dậy thì, con cái có xu hướng tranh cãi với cha mẹ nhiều hơn bởi trẻ đã dần có những quan điểm khác biệt, phát triển cái tôi và muốn độc lập với gia đình. Sự xung đột này là dấu hiệu cho thấy trẻ đang lớn và trưởng thành. Dưới đây là một số cách để điều hoà những cảm xúc khó khăn và giải quyết xung đột mang tính xây dựng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái:
- Làm gương và giữ bình tĩnh, dạy cho trẻ cách thức giao tiếp không bạo lực
- Giúp trẻ hiểu được ảnh hưởng của tuổi dậy thì lên cơ thể và cảm xúc của các em và những sự thay đổi trẻ đang trải qua là điều tự nhiên và tất yếu, không phải bất thường.
- Giao tiếp cởi mở và khơi dậy sự tò mò, tìm hiểu ở trẻ
- Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của trẻ
- Cho trẻ không gian riêng để xử lý cảm xúc của mình
- Giúp trẻ nhìn nhận vấn đề nhưng không đưa ra quyết định hay giải quyết vấn đề thay trẻ như khi còn nhỏ
- Cố gắng tìm hiểu quan điểm của trẻ và chấp nhận sự cách biệt thế hệ
- Theo dõi cảm xúc của trẻ là do những thay đổi của tuổi dậy thì hay là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tâm thần khác
Trong trường hợp nếu trẻ đang phải vật lộn với những khủng hoảng gay gắt ở tuổi thiếu niên và cần thêm sự trợ giúp chuyên nghiệp khác thì sẽ có các nguồn lực và mạng lưới hỗ trợ với những chiến lược hiệu quả, đồng hành cùng cha mẹ và con cái trong hành trình lớn lên này.
Biên tập: Đỗ Phương Thanh – Chuyên viên tâm lý
Chuyên viên tâm lý của Echo Medi – Hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện