Chúng ta thường xuyên nghe những lời khuyên “Hãy tích cực lên!” đặc biệt là khi trải qua những điều không như ý. Nếu một người nói với bạn “Hãy nhìn vào khía cạnh tươi sáng của vấn đề!” không có nghĩa là bạn nên bỏ qua những muộn phiền. Không có gì sai với việc thể hiện sự tích cực, lạc quan và biết ơn. Tuy nhiên, việc tránh né trải nghiệm những cảm xúc khó khăn như buồn, tức giận, thất vọng có thể khiến những cảm xúc đó trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.
- Vậy tích cực độc hại là gì?
Tích cực độc hại là hành động tránh né, kìm nén hoặc từ chối những cảm xúc tiêu cực. Thể hiện ở việc ta luôn cố gắng trở nên tích cực trong mọi hoàn cảnh kể cả những lúc đang khó khăn, bế tắc.
- Khi nào tích cực trở nên độc hại?
– Che giấu cảm xúc thật: nếu ai đó liên tục từ chối những cảm xúc tiêu cực của bạn và nếu bạn luôn cảm thấy bị thuyết phục phải cảm nhận hoặc hành động theo hướng không thật với cảm nhận của mình, thì khi đó sự tích cực độc hại xuất hiện. Trong một số tình huống, sự tích cực lại là điều không có ích. Việc bạn ngó lơ, chối bỏ những cảm xúc khó khăn sẽ khiến những cảm xúc đó dồn nén và trở nên nghiêm trọng hơn. Cơ chế trốn tránh này sẽ vô cùng gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
– Cảm thấy tội lỗi với cảm xúc khó khăn: bạn bị ảnh hưởng bởi những lời nói của người khác: “có thế mà cũng buồn”, “nhiều người cũng trải qua điều tương tự mà họ có sao đâu”, “có gì đâu mà phải làm quá lên” khiến cho chủ thể cảm thấy xấu hổ, yếu đuối, họ cho rằng mình không nên có những cảm xúc đó. - Làm thế nào để tránh?
– Đối với bản thân: quan sát và đón nhận cảm xúc, suy nghĩ của mình. Hãy cho bản thân thời gian với những điều khiến bạn cảm thấy khó khăn để vượt qua. Điều này sẽ giúp bạn hiểu thêm điều mình đang cảm nhận và lý do của những cảm xúc đó. Thể hiện cảm xúc qua lời nói hoặc câu chữ có thể làm giảm mức độ của sự buồn bã, lo âu.
– Đối với người khác: mỗi người sẽ có một trải nghiệm và góc nhìn khác nhau. Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Tránh đưa ra những lời khuyên như “tích cực lên”, “vui lên đi” có thể làm người nghe cảm thấy tệ hơn.
Ý nghĩa của việc đón nhận và trải nghiệm đa dạng các cảm xúc: những cảm xúc khó khăn không dễ để đối diện nhưng không có nghĩa là ta bỏ qua chúng. Trải nghiệm tất cả các cảm xúc cả tích cực lẫn cảm xúc khó khăn là một phần để làm nên con người hoàn thiện. Những cảm xúc kết hợp giúp ta hướng tới cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc và ý nghĩa.
Biên tập: ThS.Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh Trúc
Chuyên viên tâm lý của Echo Medi – Hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện