Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi người. Chúng ta học được rất nhiều từ gia đình về cách yêu thương, cách ứng xử, cách tương tác với người khác, những truyền thống, phong tục… và cả những ảnh hưởng của các chấn thương tâm lý, của những nỗi đau không nguôi ngoai cũng có thể được truyền lại nếu nó chưa được xử lý ở các thế hệ trước.
Sang chấn tâm lý liên thế hệ được hiểu như thế nào?
Đầu tiên, chấn thương tâm lý hay sang chấn là việc phải đối mặt với cái chết, thương tích (thiên tai, chiến tranh…), trải qua sự bỏ bê, sự lạm dụng, bạo lực, bị đe dọa. Sang chấn của một người có thể là chính họ đã trải nghiệm hoặc chứng kiến trực tiếp (nhìn hoặc nghe thấy những hành vi bạo lực) hoặc trải nghiệm gián tiếp (nghe kể từ một thành viên gia đình, bạn bè hoặc người quen qua mạng). Những trải nghiệm đau thương đó kích hoạt phản ứng căng thẳng và có thể làm thay đổi cách một người cư xử và cảm nhận. Do đó sau khi trải qua sang chấn, một người thường được nhận xét là “thay đổi chóng mặt”, “không còn như lúc trước”.
Sang chấn tâm lý liên thế hệ xảy ra khi trải nghiệm đau thương ban đầu chưa được hàn gắn được truyền từ cha mẹ sang con cái, rồi đến cháu và các thế hệ sau thông qua giáo dục, qua các hành vi đối xử và chăm sóc trẻ, qua giao tiếp giữa bố mẹ và con cái… Sự truyền thừa này được cho là kết quả của các hành vi học được trong gia đình như thói quen, lối sống, nhiệm vụ gia đình, các ký ức được kể lại… và sự thay đổi hoạt động bên trong cơ thể với những thay đổi sinh học do căng thẳng. Ngoài ra nỗi đau cũng có thể di truyền qua gen, tuy nhiên vẫn cần có thêm các nghiên cứu và bằng chứng khoa học để xác định cách thức di truyền của các sang chấn trong gia đình.
Những ảnh hưởng của sang chấn liên thế hệ:
- Khó khăn trong việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ thân thiết và có ý nghĩa
- Lạm dụng rượu và các chất kích thích
- Không có khả năng xoay sở và đương đầu với cuộc sống bình thường
- Luôn loay hoay với các vấn đề lo âu và trầm buồn
- Không thể kiểm soát các cơn tức giận
Đối mặt với sang chấn liên thế hệ như thế nào?
Một người hoặc một gia đình từng trải qua tổn thương vẫn có thể hồi phục và phát triển. Con đường di chuyển của nỗi đau giữa các thế hệ có thể được chặn lại bằng cách đối diện và đối thoại cũng như một số phương pháp tham khảo sau đây:
- Các thành viên trong gia đình mở lòng để trao đổi thẳng thắn về những điều ‘không nói ra’ như tình thương dành cho nhau, những câu chuyện quá khứ, những nỗi sợ thầm kín… để có thể thông cảm lẫn nhau và hàn gắn khoảng cách thế hệ. Việc này cũng ngầm ngăn chặn những “bí mật gia đình” có thể làm tổn thương thế hệ sau khi chúng đến quá đột ngột.
- Tạo dựng môi trường có cảm giác thuộc về với tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện
- Tham gia các hoạt động cộng đồng gần với sở thích để tạo cảm giác kết nối
- Bắt đầu với các hoạt động nghệ thuật giúp thể hiện và chia sẻ nỗi đau (viết, vẽ tranh, sáng tác nhạc…)
- Tìm đến các biện pháp can thiệp và trị liệu chuyên nghiệp nếu sang chấn ảnh hưởng lớn đến đời sống
Chăm sóc sức khỏe tinh thần và chữa lành những tổn thương không chỉ là việc của một cá nhân mà đôi khi cần rất nhiều sự hỗ trợ từ gia đình. Do đó, việc tạo ra một môi trường an toàn và lành mạnh, cùng nhau giải quyết những nỗi đau còn sót lại trong gia đình qua nhiều thế hệ có thể là một nguồn lực rất lớn để một người vượt qua sang chấn và phát triển bản thân mình.
Biên tập: Đỗ Phương Thanh – Chuyên viên tâm lý
Chuyên viên tâm lý của Echo Medi – Hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện