Trước nhịp sống hối hả, bận rộn ngày nay, không ít người luôn cảm thấy như bị bao vây với nhiều áp lực trong công việc, học tập và các mối quan hệ. Khi bạn liên tục trải qua áp lực, căng thẳng kéo dài có thể làm thu hẹp khả năng tư duy, giảm sự tập trung, làm việc kém hiệu quả cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất. Bạn có thể bắt đầu bằng một số hoạt động nhỏ sau đây có thể giúp làm dịu sự căng thẳng.
- Ghi lại nhật ký căng thẳng (stress-journal)
Việc ghi lại nhật ký căng thẳng sẽ giúp bạn nhận biết những tác nhân gây căng thẳng và cách ứng phó. Mỗi khi cảm thấy căng thẳng, bạn có thể viết xuống nhật ký. Thực hành đều đặn sẽ giúp bạn nhận ra một số tình huống chung và cách phản ứng của bạn với tình huống đó. Bạn có thể ghi lại:
– Điều làm bạn thấy căng thẳng?
– Bạn có những cảm xúc nào?
– Bạn phản ứng như thế nào?
– Điều gì khiến bạn cảm thấy khá hơn?
– Tiếp xúc với thiên nhiên
Dành ra 20 – 30 phút trong không gian thiên nhiên có thể giúp giảm nồng độ cortisol, loại nội tiết tố được cơ thể tiết ra khi căng thẳng. Bạn có thể thử các hoạt động đơn giản như đi dạo ngoài trời, quan sát cây cối, động thực vật xung quanh. Nếu bạn sống ở khu đô thị đông đúc, ít mảng xanh, có thể thay thế bằng một số hoạt động khác như chăm sóc cây tại nhà, hoặc đơn giản là ngồi yên và lắng nghe âm thanh tự nhiên.
- Vận động
Khi trải qua căng thẳng, vận động có thể là điều khiến bạn cảm thấy khó khăn để bắt đầu. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, vận động giúp bạn tiết ra chất endorphins (chất làm hưng phấn) khiến tâm trạng bạn tốt hơn và cũng có thể giúp bạn tạm thoát khỏi những suy nghĩ quá mức về các vấn đề đang gặp phải.
- Ngủ đủ giấc
Việc cơ thể mệt mỏi vì thiếu ngủ có thể làm bạn thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ, giảm hiệu quả công việc, từ đó khiến tình trạng căng thẳng gia tăng. Ngủ đủ giấc sẽ nạp năng lượng cho bộ não và cơ thể, giúp tinh thần minh mẫn và tỉnh táo hơn, tạo tâm trạng tích cực cho ngày mới.
- Chế độ ăn uống lành mạnh
Thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm stress. Một số loại thực phẩm hỗ trợ kích thích cơ thể sản sinh ra serotonin làm xoa dịu não bộ. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ là tiền đề để đối phó tốt với những căng thẳng. Ăn đủ bữa, bổ sung đa dạng thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng.
- Duy trì thói quen sinh hoạt hằng ngày
Hãy cố gắng duy trì những thói quen lành mạnh mỗi ngày, ngay cả khi bạn không cảm thấy căng thẳng. Việc này sẽ giúp bạn thư giãn và nạp lại năng lượng cho các hoạt động tiếp theo.
Quản lý căng thẳng là một kỹ năng cần được rèn luyện lâu dài và cần nhiều sự nỗ lực. Ngay hôm nay, bạn có thể bắt đầu bằng những bài tập đơn giản và cố gắng duy trì mỗi ngày. Dành thời gian chăm sóc cho sức khỏe thể chất và tinh thần giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc và chất lượng hơn.
Biên tập: ThS.Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh Trúc
Chuyên viên tâm lý của Echo Medi – Hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện