Cùng với tốc độ đổi mới của xã hội, học tập được coi là một phần thiết yếu của cuộc sống. Có những quan điểm cho rằng nếu việc học tập giảm sút thì sẽ phải đối mặt với một số hậu quả nghiêm trọng, do đó việc học luôn phải có thành tích cao, xuất sắc hay nổi trội mới là “có tương lai”. Trong bối cảnh xã hội hiện tại đánh giá cao điểm số và các kỳ thi quan trọng, sự kỳ vọng từ gia đình, sự đòi hỏi khắt khe về thành tích, những thay đổi liên tục trong chương trình và quy chế thi cử, sự cạnh tranh khốc liệt giữa học sinh để giành được suất vào các trường đại học hàng đầu càng làm gia tăng áp lực học tập vốn đã có phần nặng nề.
Tác động học tập quá sức đối với trẻ
Việc học quá sức và vượt giới hạn chịu đựng về lâu dài có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ về thể chất lẫn tinh thần của các em như:
- Khó tập trung, khó ghi nhớ thông tin, giảm năng suất và chất lượng học tập
- Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
- Sức khỏe thể chất suy giảm
- Gặp các vấn đề tinh thần: lo lắng quá mức, dễ cáu gắt, trầm buồn, u uất, rối loạn giấc ngủ, không có năng lượng…
Dấu hiệu quá tải ban đầu ở trẻ
Để ngăn chặn những vấn đề sức khỏe trầm trọng hơn và để lại những hệ luỵ nhất định, việc quan sát và nắm bắt những dấu hiệu ban đầu cho thấy trẻ đang quá tải là vô cùng cần thiết. Cần lưu ý những thay đổi dưới đây có thể khác nhau ở mỗi đứa trẻ, vì vậy cần dựa trên thái độ và thói quen bình thường của trẻ khi xem xét các dấu hiệu này:
- Có những chênh lệch bất thường trong kết quả học tập, hoạt động ở trường
- Rút khỏi hoạt động xã hội, thu mình và ít giao tiếp
- Thay đổi thói quen ngủ: ngủ ít hơn để học được nhiều hơn, không ngủ để hoàn thành bài tập…
- Than phiền nhiều về việc mệt mỏi, đau đầu hoặc đau dạ dày…
Làm gì để giúp trẻ ứng phó với áp lực học tập?
- Hướng dẫn trẻ sắp xếp và quản lý thời gian để tránh học quá nhiều và không hiệu quả
- Hạn chế các hoạt động ngoài chương trình học khi không thực sự cần thiết
- Giảm bớt các trách nhiệm và kỳ vọng: thảo luận và đặt mục tiêu thực tế trong quá trình học tập
- Cùng trẻ lập các chiến lược để đối phó và quản lý căng thẳng
- Ưu tiên giấc ngủ ngon và chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý cho trẻ
Mặc dù việc đồng hành và giúp trẻ hình thành thói quen học tập tốt là điều không dễ dàng nhưng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Bằng cách hỗ trợ trẻ từ sớm có thể giúp các em thiết lập thói quen tự ứng phó với các áp lực học tập cũng như các căng thẳng khác khi lớn lên.
Biên tập: Phương Thanh – Chuyên viên tâm lý
Chuyên viên tâm lý của Echo Medi – Hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện