Dao đâm có lúc lành da
Lời đâm đau nhói ngàn năm vẫn còn
Tình thân sâu nặng bấy lâu
Đừng dùng lời nói làm đau lòng người
Theo lẽ tự nhiên, tất cả chúng ta từ trẻ tới già đều thích được nghe những lời nói dịu dàng, nhẹ nhàng, chân tình, những lời động viên, khuyến khích, cổ võ tinh thần trong cuộc sống cũng như trong công việc, trong môi trường học tập đào tạo cũng như trong gia đình, trong các mối quan hệ từ ông bà, cha mẹ, anh em, vợ chồng, bằng hữu, con cái, cháu chắt, cộng sự…
Và, do vô tình hay cố ý mà chúng ta, trong suốt cuộc hành trình làm người, có thể đã từng làm tổn thương ai đó bằng lời nói, ngôn ngữ của mình. Những tổn thương này, nhẹ hay nặng cũng đều để lại một dấu ấn, ảnh hưởng đến cá nhân người này, đặc biệt là trẻ em. Tai hại hơn, nhiều đứa trẻ thường “rập khuôn” cha mẹ mình rất nhiều thứ vừa không tốt vừa không hay trong đời sống nhiều hơn là những điều hay và tốt đẹp.
Theo nhiều nghiên cứu tâm lý, những đứa trẻ thường xuyên bị la mắng, đánh đập, chửi rủa sẽ mất sự tự tin vào bản thân, trở nên rụt rè, nhút nhát, không thích giao tiếp và hay sợ hãi, lo lắng. Việc bị bạo hành bằng lời nói từ nhỏ còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, khả năng biểu đạt cảm xúc, tổn thương rất lớn về tâm lý dẫn đến những hệ luỵ khác khi trưởng thành, đặc biệt là khi chính đứa trẻ ấy trở thành cha mẹ của những đứa con mình – họ sẽ không biết giáo dục con hoặc lặp lại y hệt những hành vi, ngôn ngữ mà họ đã phải đón nhận thưở nhỏ với con cái của chính họ. Và cứ như thế, đời này nối tiếp đời kia với những tổn thương kéo dài, chồng chất.
Một điều phi lý nhưng hiện hữu mọi nơi là rất nhiều người trong chúng ta thường vô cùng vui vẻ, lịch thiệp, hiền hoà khi ra ngoài giao tiếp trong xã hội nhưng khi về nhà thì lại trút mọi sự bực bội, giận dữ cho người thân qua lời nói, cách cư xử- như thể người thân của mình là “thùng rác” để mình “xả rác”. Đây là việc làm vô cùng sai lầm vì người thân là những người sẽ ăn đời ở kiếp, cùng với ta đồng cam cộng khổ suốt cả cuộc đời. Nếu ta có vô tình làm tổn thương những người thân của mình bằng ngôn ngữ thì ta nên thành tâm xin lỗi và sửa sai lầm vì không một ai, kể cả cha mẹ ta có nghĩa vụ phải chịu sự bực tức, nóng giận của ta trong đời.
Ngôn thí trong đạo Phật chính là những lời nói có giá trị nâng đỡ, động viên tinh thần của một ai đó giúp cho họ có niềm vui, hạnh phúc, động lực để cố gắng trở thành một con người ưu tú hơn nhưng cho dù bạn không theo đạo Phật, bạn vẫn có thể thực hành ngôn thí trong cuộc sống hàng ngày. Thường xuyên trò chuyện nhẹ nhàng, tình cảm với mọi người trong gia đình, giúp họ cảm thấy thư thái, bình an, được yêu thương và yêu đời hơn sẽ giúp bạn sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Xin lỗi đúng người, đúng thời điểm nếu ta có lỡ lời với ai đó cũng ngăn chặn kịp thời những tổn thương không đáng có để duy trì những mối quan hệ tốt đẹp của mình trong xã hội.
Để kết luận, điểm lại các sự kiện trong lịch sử và đời sống, lời nói ảnh hưởng rất lớn đến hành động và những quyết định của tất cả chúng ta. Bao gia đình, mạng sống đã mất đi khởi đầu từ những câu nói khích bác cố ý hoặc những lời nói vô tình đau đớn hơn vết dao đâm. Nếu chúng ta chỉ đơn giản thực hành ngôn thí mọi lúc, mọi nơi thì sẽ ngăn chặn được biết bao sự tình đau lòng không đáng có trong đời. Đôi khi chỉ là sử dụng những câu nói đơn giản này hàng ngày đúng chỗ:
Tôi xin lỗi – I am sorry
Hãy tha thứ cho tôi – Please forgive me
Cám ơn bạn – Thank you
Thương lắm – I love you
Thương người như thể thương thân
Nói năng hoà nhã tình thân chặt bền
Lời khó nghe, lời ưu phiền
Không nghe ta cũng không mang cho người
Chữa lành thứ năm, 24❤️8❤️2023
Love,
Mây Yoga Chữa Lành