4 Cách Để Nâng Cao Niềm Tin Vào Bản Thân

4 Cách Để Nâng Cao Niềm Tin Vào Bản Thân

Trong tâm lý học, self-esteem được hiểu là sự tự đánh giá, tự nhận xét, tự hiểu về giá trị bản thân ở mỗi người. Self-esteem trong tiếng Việt được dịch là “lòng tự trọng” hoặc “lòng tự tôn”. Hiện tại chưa có cách dịch sát nghĩa với từ gốc, vì vậy chúng tôi sẽ tạm thời dùng cách dịch “lòng tự tôn” cho bài viết này. 

Khi một người có lòng tự tôn phù hợp sẽ có những sự nhìn nhận đúng đắn về hình ảnh bản thân và bản lĩnh hơn trước thử thách trong cuộc sống. Các nghiên cứu chứng minh rằng khi lòng tự tôn được nâng cao, một người sẽ có bớt lo âu hơn, có trải nghiệm ít đau đớn hơn và phục hồi nhanh hơn sau những sự kiện như bị từ chối hoặc thất bại. 

Việc nâng cao lòng tự tôn cần thời gian và nhiều nỗ lực để thay đổi. Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để nuôi dưỡng và nâng cao lòng tự tôn của bản thân:

  • Sử dụng những lời khẳng định tích cực một cách chính xác:

Những lời khẳng định tích cực như “Tôi sẽ trở thành một người thành công” là điều cực kì phổ biến, nhưng chúng có khả năng khiến những người có lòng tự tôn thấp cảm thấy tồi tệ hơn. Vì khi một người có lòng tự tôn thấp, khẳng định này hoàn toàn trái ngược với niềm tin hiện tại của họ về bản thân. Để những lời này trở nên hữu ích với những người có lòng tự tôn thấp, có thể điều chỉnh một chút để nó trở nên thực tế hơn “Tôi sẽ kiên trì cho đến khi thành công”.

  • Xác định năng lực của bạn và phát triển chúng:

Lòng tự tôn được xây dựng qua việc một người được thể hiện khả năng và thành tích trong các lĩnh vực quan trọng với họ. Ví dụ, nếu bạn tự hào là một người nấu ăn giỏi, hãy nấu thêm nhiều món ăn ngon cho gia đình. Nếu bạn giỏi chạy bộ, hãy đăng ký những giải chạy việt dã. Tóm lại, hãy tìm ra những điểm mạnh, những điều yêu thích và cho bản thân cơ hội được thể hiện nhiều hơn ở các khía cạnh này.

  • Học cách chấp nhận lời khen:

Nghe có vẻ hơi lạ vì thông thường mọi người thường khó khăn để đón nhận một phê bình hơn là lời khen. Tuy nhiên, đối với một số người có lòng tự tôn thấp, họ luôn có xu hướng chống lại những lời khen vì chúng đi ngược lại với niềm tin về bản thân. Vì vậy, hãy đặt mục tiêu đón nhận những lời khen và chuẩn bị những câu trả lời khi bạn nhận được một phản hồi tốt. Dần dần, cảm giác muốn chống đối hay từ chối những lời khen sẽ giảm đi – cho thấy lòng tự tôn của bạn đang tăng lên. 

  • Loại bỏ sự tự phê bình và làm quen với sự tự thương yêu:

Những người có sự tự ti cao thường có xu hướng làm nó ngày càng tệ hơn bằng việc tự chỉ trích bản thân. Vì mục tiêu của chúng ta là nâng cao lòng tự tôn, nên cần thay thế việc tự chỉ trích bằng sự tự yêu thương bản thân. Đặc biệt là bất cứ khi nào những suy nghĩ chỉ trích bản thân xuất hiện, hãy tự hỏi bản thân xem bạn sẽ nói gì với một người thân nếu họ ở trong hoàn cảnh của bạn (một người thường có xu hướng bao dung với người khác hơn là chính mình) và thực hành lời đó với chính mình. Làm như vậy sẽ tránh những tổn thương bằng những suy nghĩ tự chỉ trích và thay vào đó giúp xây dựng lòng tự tôn.

Nâng cao lòng tự tôn là một quá trình cần nhiều thời gian và nỗ lực, bởi vì nó liên quan đến việc phát triển và duy trì các thói quen cảm xúc lành mạnh, nhưng khi làm vậy, đặc biệt là làm một cách đúng đắn, sẽ giúp mang lại thành quả lớn về mặt cảm xúc và tâm lý cho một người.

Biên tập: ThS.Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh Trúc

Chuyên viên tâm lý của Echo Medi – Hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện

CHIA SẺ
BÀI VIẾT KHÁC